Tên gọi Phật

Từ "Buddha" hay còn gọi là "Buddhaya" có nghĩa là "thức tỉnh" hay "giác ngộ". Tiếng Việt gọi là "Bụt","Bụt-đà" hay "Bụt-đà-da", còn được gọi là “Phật” trong tiếng Hán. Trong các tác phẩm văn học dân gian “Phật” được sử dụng phổ biến hơn “Bụt” vì vào thế kỷ XX giới sĩ phu đã dồn mọi nỗ lực vào việc học chữ Hán để đỗ đạt ra làm quan và phản ứng của lớp người nầy đối với cuộc đô hộ của người Pháp và tâm trạng dè bỉu chữ Nôm, cho rằng Nôm na là cha mách qué - mà từ Bụt là một từ Nôm. Lý do cuối cùng tác giả nêu ra là "vì thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hai bên đều có xu hướng mời các cao tăng từ Trung Quốc sang để hoằng hóa nên từ Bụt bị lấn át mất và dần dần đi vào quên lãng.".[1]. Trong quyển Thiền sư Tăng Hội, An Tiêm Paris xuất bản 1998, Thiền sư Nhất Hạnh đã cho rằng, vào đầu thế kỷ III, Thiền tập ở Giao Châu, tên cũ của nước ta, đã rất phát triển, còn phát triển hơn cả ở Trung Quốc, và “chắc chắn là hồiấy dân ta đã gọi Buddhã là Bụt, đã biết đọc tam quy ngũ giới và xưng tán tam Bảo bằng tiếng Sanskrit, cũng có thể đã biết tụng đọc bằng tiếng Việt.” Dù sao thì thời gian đứt đoạn việc sử dụng danh từ Bụt chỉ là thời gian ngắn so với trường kỳ lịch sử dân tộc và lịch sử Phật Giáo Việt Nam.[2]

"Bụt" là từ phiên âm tiếng Việt bất nguồn từ (chữ Phạn: Buddhã). Tính theo thời gian và điều kiện phát triển thì từ Bụt đã xuất hiện trong ngôn ngữ Việt sớm nhất là vào thế kỷ thứ 2 và muộn nhất là thế kỷ thứ 6 và từ nầy đã do các thiền sư Ấn đầu tiên dịch ra từ chữ Phạn Buddhã, có nghĩa là bậc Đại Giác, Đại Trí, bậc Giác Ngộ, Người Đạt Trí Tuệ Tột Cùng.[3]

Người dân quê Việt Nam, từ xa xưa, vẫn thường gọi Buddhã là ông Bụt, đến nay vẫn còn in rõ dấu tích. Tại vùng Chương Mỹ, Hà Tây, Bắc bộ, có một ngôi chùa cổ, tên chữ là Hỏa Tinh, cách Hà Nội 40km trên đường số 6 đi Hòa Bình. Cách lộ độ một km, trên một ngọn đồi trọc, có một pho tượng Ông Bụt bằng đá. Khách từ xa đến thăm viếng, nếu hỏi thăm chùa Hỏa Tinh, nhiều người không biết. Nhưng nếu hỏi thăm chùa Ông Bụt, thì từ cụ gà đến trẻ em, ai nấy cũng đều chỉ đúng chùa Hỏa Tinh này. [4]

Theo Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trả lời "Tại sao dùng chữ đạo Bụt?"

"Sở dĩ chúng tôi dùng chữ đạo Bụt mà không dùng chữ đạo Phật, vì chúng tôi nghĩ rằng chữ Bụt có tính dân tộc hơn chữ Phật. Các nước chung quanh chúng ta đều còn gọi Buddha là Bụt. Dân Việt Nam cho đến thế kỷ thứ XIII- XIV vẫn còn gọi Buddha là Bụt. Chỉ từ khi quân Minh sang chiếm nước ta, chúng ta mới bắt đầu bắt chước họ gọi là Phật thôi. Nếu quý vị đọc Đắc Thú Long Tuyền Thành Đạo Ca của vua Trần Nhân Tông, quý vị thấy rằng ngài vẫn dùng chữ Bụt. Tổ thứ ba của phái Trúc Lâm ngài Huyền Quang cũng dùng chữ Bụt. Thiền sư Khuy Cơ là đệ tử lớn của Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang nói: "Chữ Buddha đáng lý phải dịch là Bụt Đà nhưng người ta đã dịch lầm là Phật". Chính những vị cao tăng bên Trung quốc đời Đường đã thấy. Như vậy sự sai lầm của một nước không có lý gì một nước khác cũng phải sai lầm theo? Chúng tôi đã cương quyết sử dụng chữ Bụt và đạo Bụt. Nếu chúng ta cần dùng danh từ Hán Việt thì chúng ta dùng Phật giáo, còn nếu đạo là đạo Bụt. Ngày Phật đản hay là ngày đản Bụt, Phật tử hay là con Bụt. Như vậy ngôn ngữ của chúng ta được giàu có thêm lên vì chúng ta không bỏ chữ Phật mà chúng ta phục hồi được chữ Bụt. Trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng, chúng tôi sử dụng chữ Bụt và chữ Bụt có vẻ thân thương, gần gũi hơn chữ Phật nhiều lắm. Chắc quý vị cũng biết rõ là trong kho tàng truyện cổ tích, ca dao của nước ta, dân chúng vẫn còn duy trì cách gọi Buddha là Bụt." [5]

Định Nghĩa Danh từ "Bụt" trong từ điển Việt Nam:[6]

  1. Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, xuất bản lần đầu tại Hà Nội năm 1931. "Bụt": Tiếng gọi Ông Phật. Văn liệu: Lành như Bụt (tục ngữ). Đất Vua, chùa làng, phong cảnh Bụt (thơ cổ).
  2. Từ Điển Việt Nam, Khai Trí Sài Gòn, 1971. "Bụt": Ông Phật. Bụt cũng nực cười ông ngất ngưỡng (Nguyên Công Trứ).
  3. Từ Điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1988. "Bụt": Phật, theo cách gọi dân gian. Lành như Bụt, Bụt chùa nhà không thiêng.
  4. Việt Anh Tự Điển, Nguyn Văn Khôn, Sài Gòn, 1972. "Bụt": Buddha.

“Phật” là từ gốc Hán, bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán ở các thời kỳ khác nhau của một từ được viết bằng chữ Hán là “佛”.[7] E. G. Pulleyblank phục nguyên cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ sơ kỳ của từ “佛” là but.[7] “Phật” bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ hậu kỳ của từ “佛”. Pulleyblank phục nguyên cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ hậu kỳ của từ “佛” là fɦjyt (do but biến đổi thành, về sau fɦjyt biến đổi thành fɦut) và fɦut (do fɦjyt biến đổi thành). Theo Pulleyblank từ “phật” trong tiếng Việt bắt nguồn từ âm fɦjyt của từ “佛”.[7][8]

Trong tiếng Hán tên gọi của phật đã được phiên âm từ nhiều ngôn ngữ khác nhau thành nhiều dạng, chẳng hạn như “佛陀” (âm Hán Việt: phật đà), “浮陀” (phù đà), “浮圖” (phù đồ), “浮頭” (phù đầu), “勃陀” (bột đà), “勃馱” (bột đà), “部多” (bộ đa), “部陀” (bộ đà), “毋陀” (vô đà), “沒馱” (một đà), “佛馱” (phật đà), “步他” (bộ tha), “浮屠” (phù đồ), “復豆” (phục đậu), “毋馱” (vô đà), “佛圖” (phật đồ), “步陀” (bộ đà), “物他” (vật tha), “馞陀” (bột đà), “沒陀” (một đà) vân vân. Tên gọi “phật” 佛 trong tiếng Hán thường được cho là gọi tắt của “phật đà” 佛陀, phiên âm tiếng Hán của tên gọi tiếng Phạn “buddha”. Quý Tiện Lâm (季羨林) cho rằng cách giải thích này là không chính xác. Theo ông “phật” 佛 không phải là gọi tắt của “phật đà” 佛, “phật” 佛 và “phật đà” 佛陀 bắt nguồn từ hai ngôn ngữ khác nhau, tên gọi “Phật” 佛 xuất hiện trước tên gọi “phật đà” 佛陀.[9]

Kinh Phật ban đầu không được dịch sang tiếng Hán từ tiếng Phạn hay tiếng Pali mà là dịch từ nhiều ngôn ngữ cổ ở vùng Trung ÁTân Cương.[10] Theo Quý Tiện Lâm trong các ngôn ngữ cổ thuộc ngữ tộc Iran tên gọi hai âm tiết “buddha” trong tiếng Phạn đã biến đổi thành tên gọi chỉ có một âm tiết, ví dụ:[11]

Theo Quý Tiện Lâm tên gọi “phật” 佛 trong tiếng Hán là phiên âm của tên gọi của phật trong một ngôn ngữ cổ nào đó thuộc ngữ tộc Iran.[12]

Danh từ Bụt được dịch hợp lý từ chữ Phạn Buddhã, vì cùng một âm B với nhau. Ông cho rằng ngay hai thứ tiếng phổ biến nhất là Anh và Pháp cùng đều dùng âm B để dịch như thế (Pháp: Boudha, Anh: Buddha); ở nhiều nước Phật giáo Nam Tông cũng dùng âm B để dịch chữ Buddhã từ tiếng Phạn, tuy giọng đọc có khác nhau đôi chút. Theo trào lưu chung thống nhất cách phiên âm thì hiện nay, Phật giáo Bắc phương mà Trung quốc là tâm điểm, từ lâu vẫn dịch Buddhã là Phật-đà (佛 陀) nay vừa mới bắt đầu dùng chữ Bột đà (勃 陀) để gọi bậc Giác ngộ. Theo Tự điển Phật Học Hán Việt, Phân viện Nghiên cứu Phật học Hà Nội, xuất bản 1992, mà sách tham khảo là Thực Dụng Phật Học Từ Điển của Lô Quán Cao và Hà Tử Bồi xuất bản ở Thượng Hải, thì: Bột đà 勃 陀 Buddha (Thuật ngữ), còn gọi là Bột đà. Cách gọi cũ là Phật đà. Gọi tắt là Phật - dịch là Giác (覺). Nên nhớ là các từ điển Hán Việt của Đào duy Anh và Thiều Chửu đều không có danh từ mới này. Cách viết mới chữ Bột (勃) rất giống cách viết chữ Nôm Bụt (侼) của ta và đều cùng đọc với âm B.Chúng ta rất tri ân Tổ tiên từ thượng cổ của chúng ta đã khéo léo dịch danh từ Buddhã ra chữ Bụt và lưu truyền lại cho chúng ta mãi đến ngày nay.[13]

Các cách đọc hiện tại của Bụt và Phật trong các ngôn ngữ khác.[14]

  1. Việt Nam: Bụt (dân gian) so với Phật (Hán Việt/HV)
  2. Mường (Bi): put (Bụt), Phât (Phật) - như 'Liênh chùa mà ngỏ put' (lên chùa mà xem Bụt)
  3. Gia Rai: mơnuih pơsêh (Phật)
  4. Khme: pút - kêu trời như 'Phật ơi' là 'pút thô' (so với trời ơi, chúa ơi, mẹ ơi ... tiếng Việt)
  5. Kờho: Phợk - tượng Phật rùp Phợk
  6. Thái: พุทธ póot - tượng Phật พระพุทธรูป prá-póot-tá-tá-rôop
  7. Myanmar (Miến Điện): Buđa
  8. Lào: Phuth - phuthô/phuđô (Phù Đồ, Phật Đà)
  9. Nùng: Pụt
  10. Chăm/Chàm: Bhik, Phik (có tài liệu ghi là But4)
  11. Bắc Kinh: fú, fó, bó (theo pinyin) so với giọng Ngô (Thượng Hải) là vơi?, giọng Đài Loan là hut8,fut8 (để ý các phụ âm đầu f,b,v) - giọng Quảng Đông là fat6 fat1 bat6, Hẹ là fut8; giọng Triều Châu (Tiều) là hug8, hug4 (huk). Hiện tại đang thay đổi đọc thành "Bột"
  12. Nhật: butsu, futsu, hotsu ふつkanji 仏- Phật còn dùng để chỉ người quá cố (mỹ từ). Tiếng Nhật có khuynh hướng hầu hoá (glottalisation) phụ âm môi đầu như bèi, bò BK bắc HV > hoku/hai - bó BK bạch HV > haku/byaku – bò/ba BK ba Việt ha/ba Nhật … Nên có ba dạng biến âm but- fut- và hot- như trên so với giọng Đài Loan
  13. Hàn: pwul (pul), phil 불
  14. Mã Lai/Inđô: buda

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phật http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/van-h... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb15130385p http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb15130385p http://id.ndl.go.jp/auth/ndlna/00561115 http://kienthuc.net.vn/hoc/dau-la-tuong-phat-thich... https://books.google.com/books?id=N4wVW91BLAYC https://books.google.com/books?id=NFpcAgAAQBAJ https://books.google.com/books?id=hu0oIf0n87IC https://langmai.org/tham-van-duong/van-dap-voi-ts-... https://thuvienhoasen.org/a5115/but-hay-phat%7D%7D